Trang chủ Tiêu chí

Tiêu chí bình chọn
Gửi bài này In bài này

1. Tính cần thiết của quy định

Sự cần thiết ban hành quy định thể hiện thông qua mục tiêu chính sách mà nhà làm luật mong muốn. Mục tiêu chính sách phải rõ ràng và có thể đạt được. Một quy định được xem là cần thiết nếu trong rất nhiều vấn đề của cuộc sống, cơ quan ban hành lựa chọn được đúng vấn đề bức thiết cần giải quyết và việc ban hành văn bản pháp luật là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề đó.

2. Tính hợp lý

Các quy định được đưa ra dựa trên cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn rõ ràng mà không chỉ dựa trên suy luận cảm tính của nhà làm luật. Các quy định phải giúp đạt được mục tiêu chính sách đã đề ra mà không làm phát sinh các hệ quả xấu không mong muốn. 

3. Tính Thống nhất

Tính thống nhất được thể hiện thông qua việc quy định không chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định trong cùng một văn bản, không mâu thuẫn với các quy định trong các văn bản pháp luật khác, đặc biệt là các quy định ở cấp văn bản cao hơn. Điều này không chỉ tạo ra sự nhất quán về mặt chính sách, mà tại thuận lợi hơn cho cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong quá trình thực hiện.

4. Tính khả thi

Tính khả thi của một quy định được xác định dựa trên mức độ thi hành, tuân thủ quy định đó trên thực tế. Ngay khi đề xuất quy định, cơ quan có thẩm quyền cần tiên liệu trước về những chi phí, rủi ro, khó khăn nhằm có hướng dẫn, hoặc chuẩn bị các nguồn lực giúp tăng tính khả thi của quy định. 

5. Tính Minh bạch

Quy định minh bạch là quy định đơn giản, dễ hiểu, không bị hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, có thể áp dụng được ngay và hạn chế tối đa việc phải diễn giải thông qua các văn bản hướng dẫn hoặc người thực thi. Quy định minh bạch giúp cho quá trình thực hiện trở nên dễ dàng, nhanh chóng và ít rủi ro.

6. Chi phí tuân thủ

Chi phí tuân thủ là tổng các chi phí về mặt tiền bạc, thời gian, công sức, cơ hội và cả những rủi ro mà tất cả các đối tượng chịu tác động gồm doanh nghiệp và người dân phải bỏ ra để tuân thủ quy định. Một quy định pháp luật tốt là quy định giúp hạn chế tối đa chi phí tuân thủ của doanh nghiệp và người dân.

7. Quyền tự do kinh doanh

Quyền tự do kinh doanh bao gồm quyền ra các quyết định đầu tư, lựa chọn ngành nghề, địa bàn, quy mô, hình thức kinh doanh, tự do hợp đồng, lựa chọn đối tác, tự chủ điều hành nội bộ, thuê mướn lao động. Quy định tốt là quy định không hạn chế các quyền trên hoặc chỉ hạn chế “trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”. 

8. Thúc đẩy cạnh tranh

Quy định pháp luật về kinh doanh không làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường, tạo cơ hội cho độc quyền hoặc thống lĩnh, hoặc phân biệt đối xử một cách vô lý giữa các đối thủ cạnh tranh. Các quy định này làm giảm cơ hội lựa chọn của khách hàng, tăng giá và giảm hiệu quả, năng suất chung của nền kinh tế.

9. Kiểm soát nguy cơ nhũng nhiễu

Quy định cần được xây dựng để hạn chế tối đa nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực trong quá trình thực thi. Điều này được thể hiện qua việc phân định rõ ràng về thẩm quyền, xác định rõ quyền và nghĩa vụ, trình tự thủ tục, tiên liệu trước và lấp đầy các kẽ hở có thể bị người thực thi lợi dụng để mưu lợi cá nhân.

10. Thời điểm ban hành/có hiệu lực

Thời điểm ban hành/có hiệu lực cũng là một yếu tố quan trọng giúp đánh giá các quy định pháp luật. Các quy định pháp luật cần được ban hành kịp thời nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, đặc biệt là các văn bản quy định chi tiết văn bản cấp trên, bên cạnh đó cũng cần có thời gian để các đối tượng tác động chuẩn bị thi hành và không gây mất ổn định cho môi trường kinh doanh.